Phim của Nadech Kugimiya đóng có gì nổi bật? Khám phá ngay. Ảnh: Instagram @kugimiyas
Phim của Nadech Kugimiya đóng có gì nổi bật? Khám phá ngay. Ảnh: Instagram @kugimiyas
PV: Những năm gần đây, Thái Lan rất quan tâm xây dựng sản phẩm nhằm thu hút du khách Việt Nam. Phải chăng Việt Nam là thị trường quan trọng của ngành du lịch Thái Lan?
Ông ChattanKunjara Na Ayudhya: Đúng như vậy, Việt Nam là một trong 10 thị trường có lượng khách du lịch đến Thái Lan nhiều nhất trong 8 tháng đầu năm 2024, với 719.000 lượt. Theo kết quả công bố của nhiều cuộc khảo sát khác nhau về sở thích hay hành vi du lịch của khách du lịch Việt Nam vào các kỳ nghỉ lễ, Thái Lan luôn đứng đầu danh sách những quốc gia được du khách Việt Nam yêu thích và chọn đi du lịch nhiều nhất. Không chỉ về số lượng khách, trong khu vực ASEAN, khách Việt Nam tiêu dùng cao thứ 2 khi đến Thái Lan, chỉ sau Myanmar.
Việt Nam có dân số lớn, nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển rất tốt, vì vậy khách du lịch Việt Nam rất tiềm năng mà Thái Lan mong muốn thu hút. Việt Nam và Thái Lan có vị trí gần nhau, thời gian bay ngắn chỉ chưa tới 2 tiếng đồng hồ. Khách Việt Nam có thể đi Thái Lan nhiều lần vì rất dễ dàng, thuận tiện.
Văn hóa Việt Nam và Thái Lan có nhiều điểm tương đồng với nhau, ví dụ như mọi người đều coi trọng gia đình. Ngoài ra là tương đồng về văn hóa và ẩm thực, người Thái thích đồ ăn Việt Nam và người Việt Nam cũng rất thích đồ ăn Thái, nên khi khách du lịch Việt Nam đến Thái Lan hoặc ngược lại, mọi người luôn cảm nhận được sự gần gũi, chứ không phải tới một vùng đất xa lạ với văn hóa khác biệt.
Năm 2024 Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT) đặt mục tiêu đón 1 triệu lượt du khách Việt Nam đến Thái Lan. Tuy nhiên không chỉ Thái Lan mà nhiều quốc gia khác cũng mong muốn thu hút du khách Việt Nam, vì vậy TAT rất nỗ lực tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá tại Việt Nam, nhất là các thị trường quan trọng như TP.HCM và Hà Nội. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam trong việc thúc đẩy quảng bá sức hấp dẫn của các điểm đến du lịch, các hoạt động trải nghiệm, các sự kiện lễ hội sẽ diễn ra ở Thái Lan trong quý IV năm 2024.
PV: Có thể thấy 1 triệu lượt khách Việt Nam đến Thái Lan là con số rất ấn tượng. Làm thế nào Thái Lan đạt được mục tiêu này?
Ông ChattanKunjara Na Ayudhya: Chúng tôi làm việc với các công ty du lịch và các đối tác tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp du lịch Thái Lan chuyên đón khách Việt Nam để cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin chuyên sâu về thị trường Việt Nam, phân tích hành vi, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch. Qua đó xây dựng và giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng đúng nhu cầu, mang đến trải nghiệm ấn tượng và giá trị cho du khách Việt khi đi du lịch Thái Lan. Đồng thời, tổng hợp và trình bày những thách thức, trở ngại cho các cơ quan liên quan để tìm ra phương hướng giải quyết, điều chỉnh và phát triển hơn nữa về mặt cung ứng.
Điều mà du lịch Thái Lan thành công trong việc quảng bá xúc tiến du lịch tại thị trường Việt Nam là tỷ lệ khách Việt Nam quay lại Thái Lan du lịch và tỷ lệ khách Việt Nam lần đầu đi du lịch Thái Lan là xấp xỉ nhau, và Thái Lan liên tục là điểm đến được ưa chuộng của du khách Việt Nam.
Chúng tôi cũng hiểu rằng Thái Lan cần liên tục cải thiện sản phẩm với thị trường khách du lịch Việt Nam, như việc thúc đẩy du lịch khám phá những trải nghiệm giá trị tại các điểm du lịch mới, bên cạnh các điểm đến vốn được du khách Việt Nam yêu thích từ trước đến nay như Bangkok và Pattaya. Điều đó nghĩa là cần tạo nhận thức rộng hơn về các "thành phố đáng ghé thăm" của Thái Lan tại thị trường Việt Nam, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ của các thành phố này sao cho phù hợp và đáp ứng tốt hành vi, sở thích của du khách Việt.
PV: Ông có nhắc đến việc khách Việt Nam tiêu dùng cao thứ 2 khi đến Thái Lan, chỉ sau Myanmar. Cụ thể khách Việt Nam chi tiêu như thế nào khi đi du lịch Thái Lan?
Ông ChattanKunjara Na Ayudhya: Chi phí du lịch trung bình của khách Việt cho mỗi chuyến đi Thái Lan là khoảng 25.000 - 27.000 baht (khoảng 20 triệu đồng). Theo quan sát thì khách du lịch Việt Nam sang Thái Lan phần lớn mọi người rất thích mua sắm, thường xuyên đến các trung tâm thương mại.
Gần đây hành vi tiêu dùng của khách du lịch Việt Nam bắt đầu có sự thay đổi khi đến Thái Lan. Họ chi tiêu nhiều hơn cho việc khám phá lịch sử, văn hóa, du lịch biển, trải nghiệm… Chi phí cho hoạt động, giải trí của du khách Việt đã cao hơn, tăng hơn 20%. Các hoạt động tham quan điểm đến du lịch về lịch sử, văn hóa và các hoạt động biển tăng 3-4%.
Một số du khách Việt Nam bắt đầu chú ý đến du lịch sức khỏe (cả về thể chất và tinh thần) khi đến Thái Lan. Họ coi du lịch là một hình thức để tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, nạp lại năng lượng, sự tích cực và mang lại trạng thái cân bằng trong cuộc sống. Ngoài ra chúng tôi nhận thấy khách Việt có nhu cầu tìm kiếm những trải nghiệm du lịch mới lạ mà vừa mang lại sự ấn tượng vừa có giá trị. Họ bắt đầu biết đến các tỉnh thành phố khác của Thái Lan và sẵn sàng đi du lịch xa hơn.
PV: Theo ông, bí quyết nào giúp Thái Lan thành công trong việc thu hút khách Việt Nam chi tiêu nhiều và quay trở lại nhiều lần như vậy?
Ông ChattanKunjara Na Ayudhya: Chính phủ Thái Lan xác định ngành du lịch là 1 trong 8 trụ cột thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan. Thái độ, sự thân thiện của người Thái luôn chào đón và thân thiện với khách du lịch, bất kể họ đến từ quốc gia nào, và với du khách Việt Nam cũng vậy.
Với mỗi du khách, trong chuyến du lịch họ nhận được niềm vui, sự an toàn hay là những ấn tượng tốt thì thế nào thì họ cũng sẽ quay lại nơi đó. Tuy nhiên khi quay lại một đất nước, họ mong muốn tìm kiếm không phải là những cái cũ mà là trải nghiệm mới. Nếu những điểm mới đó mà khách du lịch có thể tiếp cận thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng và không quá đắt đỏ có thể thu hút khách quay lại.
Ngoài ra Văn phòng TAT tại TP.HCM có nhiệm vụ tiếp thị, quan hệ công chúng, quảng bá, thúc đẩy du khách Việt Nam tới Thái Lan du lịch; tổ chức các hoạt động khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch Thái Lan cho các đối tác du lịch tại Việt Nam; cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch hai nước gặp gỡ, đàm phán, xây dựng mạng lưới kinh doanh du lịch để thúc đẩy khách Việt Nam đi du lịch Thái Lan.
Về nhiệm vụ quảng bá, Văn phòng TAT tại TP.HCM phải làm sao cho khách du lịch Việt Nam biết đến Thái Lan nhiều hơn, các địa điểm du lịch, các trải nghiệm du lịch mới, những cái điều mới mẻ ở Thái để thu hút, khiến cho người Việt Nam khi muốn đi du lịch nước ngoài thì sẽ nghĩ ngay đến Thái Lan. Những nét đặc trưng và điểm hấp dẫn riêng của mỗi điểm đến là không so sánh được với nhau, cũng khiến du khách tò mò và trở lại Thái Lan nhiều lần.
Bất cứ nền du lịch nào cũng cần phải có kế hoạch phát triển đa dạng, không ngừng nghỉ để kéo khách du lịch quay trở lại. Điều đó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ, đồng lòng của khu vực tư nhân trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ tiêu chuẩn chất lượng và đa dạng, cùng với sự hỗ trợ của chính phủ trong công tác hoạch định chính sách, phát triển cung ứng và tìm kiếm hoạt động tiếp thị chung. Tất cả dựa trên nền tảng của cơ sở dữ liệu và kinh nghiệm trong việc vận hành du lịch, tổng hợp xem xét đánh giá thông tin để cải thiện việc cung cấp dịch vụ, phát triển du lịch cũng như lên kế hoạch định hướng dài hạn.
PV: Gần đây Thái Lan đã áp dụng nhiều chính sách tạo thuận lợi về thị thực (visa) cho du khách quốc tế. Những chính sách này mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?
Ông ChattanKunjara Na Ayudhya: Về chính sách miễn visa, đầu tiên Thái Lan mong muốn truyền tải đến mọi người rằng chúng tôi chào đón tất cả khách du lịch, từ tất cả mọi nơi trên thế giới đến Thái Lan du lịch. Dù bạn có bất cứ quốc tịch nào, bạn sẽ đến được Thái Lan một cách thuận tiện và dễ dàng.
Ngoài việc xây dựng hình ảnh về sự chào đón của Thái Lan đối với du khách từ mọi nơi trên thế giới, chính sách miễn visa cho khách du lịch nước ngoài còn là một yếu tố giúp giảm bớt trở ngại trong việc du lịch Thái Lan, thúc đẩy du khách đưa ra quyết định dễ dàng hơn trong lựa chọn đi du lịch. Nhiều thị trường mục tiêu được miễn visa đã chứng kiến mức tăng trưởng lượng khách đi du lịch Thái Lan.
Nói chung về hành vi du lịch của người dân các nước khu vực châu Á, mọi người mong muốn đi du lịch thường không lên kế hoạch từ trước giống như các nước ở châu Âu hay là châu Mỹ. Quyết định du lịch thường được đưa ra trong ngắn hạn, có thể hôm nay họ nghĩ là họ muốn đi, thì hôm sau là họ đã có thể khởi hành rồi mà không cần phải trải qua một quá trình xin visa phức tạp. Nhiều du khách châu Á muốn đi là đi luôn, vì vậy họ sẽ ưu tiên những nơi không có rào cản về thủ tục.
Ngoài ra, quy trình xin visa khi đi du lịch nước ngoài thường phải tốn chi phí. Khách du lịch thường mong muốn tiết kiệm tối đa chi phí, vì vậy tốt hơn hết, số tiền dùng để xin visa thì du khách có thể chi tiêu cho hoạt động trải nghiệm khác.